Diễn đàn CNTT&TT Diễn đàn CNTT&TT

Y tế, giao thông thông minh: Lối vẫn chưa thông!

Lợi ích của y tế thông minh và giao thông thông minh đã được phân tích, miêu tả rất kỹ, tỏ tường, nhưng vì lẽ gì mà việc triển khai vẫn cứ chậm chạp, loay hoay trong suốt thời gian qua?

(Y tế điện tử mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng triển khai vẫn loay hoay, chậm chạp.)

Đặt câu hỏi này với các chuyên gia, câu trả lời mà chúng tôi nhận được nghe không thể quen hơn. Vẫn là những nguyên nhân muôn năm cũ như quy trình thủ tục, thiếu vắng cơ chế... Ông Phạm Minh Tuấn, TGĐ FPT IS thừa nhận, việc triển khai y tế thông minh, giao thông thông minh đang rất chậm, "bởi chủ trương đúng nhưng trong quá trình thực hiện va phải rất nhiều vướng mắc". Ba vướng mắc lớn nhất được ông Tuấn chỉ ra là quy trình thủ tục xây dựng và phê duyệt dự án lâu (trung bình phải mất 1-2 năm); nhiều cơ quan không có vốn; chưa có mô hình chuẩn để áp dụng đại trà ở Việt Nam. Chính vì thế, không ít các đơn vị nhà nước trong lĩnh vực y tế, giao thông rụt rè, ngần ngại đưa ra quyết định đầu tư.
 
Đơn cử như câu chuyện của ngành Y tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo tập trung xây dựng kiến trúc tổng thể về Y tế điện tử trong nhiều năm qua, CNTT đã được ứng dụng trong các khâu quản lý, khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế…. Tuy nhiên, đến nay chỉ số ứng dụng và phát triển CNTT của ngành còn thấp so với các ngành nghề khác, các hệ thống chưa liên thông cũng như chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu y học quốc gia.
 
Ngành giao thông cũng gặp nhiều bài toán nan giải tương tự đối với việc phát triển giao thông thông minh. Trong nhiều năm qua, câu chuyện đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh, giải quyết tình trạng ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông bằng ứng dụng CNTT đã được đặt ra trong không ít các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của ngành. Ngay cả các công ty công nghệ cũng tuyên bố sẵn sàng vào cuộc cùng ngành giao thông với hàng loạt các giải pháp liên quan đến Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Tuy nhiên, đến nay việc ứng dụng ITS mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm.
 
Thuê ngoài là lối thoát?
 
Nguyên nhân đã rõ, vậy đâu sẽ là lời giải cho y tế thông minh, giao thông thông minh? Với câu hỏi này, ông Tuấn gợi ý hướng giải quyết là dùng nguồn vốn xã hội hóa giống như câu chuyện phát triển hạ tầng giao thông. Khoảng 4 năm về trước, tình trạng bế tắc diễn ra ở nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm do nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu nhân lực vận hành… Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), những năm gần đây, ngành giao thông đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tính đến nay, ngành đã huy động tới khoảng 160.000 tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân đã giúp tối ưu hóa về chi phí, nguồn lực vận hành.
 
Hay như câu chuyện của ngành đường sắt cũng là một ví dụ điển hình. Kể từ khi có chủ trương đến khi chính thức đưa Hệ thống bán vé điện tử vào hoạt động, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) chỉ mất đúng 11 tháng. Đây là kết quả của việc TCT ĐSVN đã sử dụng hình thức thuê ngoài khi triển khai dự án này, hoàn toàn không phải bỏ vốn đầu tư vào việc xây dựng hệ thống bán vé điện tử.
 
Hiện nay, mô hình xã hội hóa trên cũng đang được nhân rộng ở nhiều mảng hoạt động khác nhau của lĩnh vực giao thông, y tế. Tháng 3/2015, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tin học hóa trong bảo hiểm y tế theo hình thức xã hội hóa. Thông báo này nhấn mạnh chậm nhất trong tháng 6/2015, sẽ hoàn thành triển khai chạy thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh của các tuyến và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan quản lý y tế, bảo hiểm xã hội trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc đối với 3 địa phương là Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Hay như mới đây nhất, Bộ GTVT đã thống nhất giao cho FPT và Hanel triển khai thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm qua hình ảnh theo mô hình xã hội hóa.
 
"Hai nút thắt chính của y tế thông minh, giao thông thông minh là thiếu vốn, thiếu nhân lực vận hành. Với việc thuê ngoài dịch vụ, hai nút thắt này sẽ được tháo bỏ", một chuyên gia nhận định.
 
Đường hướng là vậy, nhưng còn mô hình triển khai ra sao, giải pháp cụ thể thế nào... thì có lẽ vẫn cần phải bàn thêm. Chắc chắn, Giao thông, y tế, dịch vụ công và nguồn nhân lực CNTT sẽ là những chủ đề "nóng" nhất tại Diễn đàn Cấp cao CNTT - Truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2015) diễn ra vào ngày mai, 25/6/2015.
 
Trọng Cầm-vietnamnet.

Lịch công tác Lịch công tác

Nội dung web đã chọn không còn tồn tại.

HỆ THỐNG THÔNG TIN HỆ THỐNG THÔNG TIN

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 2
Tất cả: 1365497